Anh Giang Nguyễn, Giám đốc The Ivy-League Vietnam, cho rằng học tiếng Anh sớm là tốt nhất, nhưng không đồng nghĩa học muộn là không giỏi.

Dưới đây là chia sẻ của anh Giang Nguyễn, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ):

Tôi lắng nghe tâm sự, câu hỏi của phụ huynh về việc chọn thời điểm nào cho con học tiếng Anh và đầu tư thế nào cho hiệu quả? Những câu hỏi này rất khó trả lời, nhưng tôi có vài quan điểm.

Trước hết, có lẽ chúng ta không phải bàn về tầm quan trọng của tiếng Anh. Gần như 100% công trình khoa học đều được xuất bản bằng tiếng Anh và sự tiếp cận thế giới văn minh, những nền giáo dục hiện đại nhất như Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand đều phải thông qua tiếng Anh. Đó cũng là lý do phụ huynh Việt Nam muốn đầu tư cho con học tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều người đang loay hoay với bài toán chọn thời điểm nào thích hợp cho trẻ học tiếng Anh.

Tôi cho rằng không có thời điểm cụ thể nào để bắt đầu học tiếng Anh. Việc học sớm hay muộn còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Về lý thuyết, học một ngôn ngữ càng sớm, càng dễ thẩm thấu và đạt đến độ trôi chảy tự nhiên. Nhưng thực tế, có những người bắt đầu học tiếng Anh rất muộn mà vẫn đạt đến trình độ cao, thậm chí trở thành học giả về ngôn ngữ nổi tiếng. Lấy các thầy tôi ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ cũ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay) như: thầy Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng khoa sau đại học, thầy Lê Hùng Tiến, nguyên Trưởng khoa sau đại học, thầy Nguyễn Hòa, nguyên Hiệu trưởng, làm ví dụ. Các thầy đều là đại thụ của làng ngôn ngữ Việt Nam.

Tôi tin rằng thế hệ các thầy không ai được học tiếng Anh từ bé. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, Việt Nam ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra tiền mà học. Hầu hết vào đến cấp 3 mới học, rồi thi vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ở đây, các thầy cũng chỉ được học với nguồn tài liệu rất hạn chế, chia nhau từng trang sách, mách nhau từng từ mới. Ngày đó làm gì có thầy giáo Anh, cô giáo Mỹ. Ấy vậy các thầy vẫn cứ giỏi, cứ trở thành nhà ngôn ngữ tài năng, xây dựng một thế hệ giáo viên tiếng Anh khắp cả nước, phục vụ kịp thời cho thời kỳ mở cửa hội nhập những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Nên cho con học tiếng Anh từ tuổi nào là phù hợp?

Nhưng đó là thời kỳ xa xưa, khi con người ta biết nằm gai nếm mật, học theo trường phái “sôi kinh nấu sử”, học là thuộc và thuộc là nhớ mãi. Còn trẻ ngày nay, việc tiếp cận tiếng Anh thuận lợi thông qua TV, Internet, sách báo. Nguồn học liệu phong phú, không thiếu sách, không thiếu thầy, nhưng lại thiếu một thứ đó là “chịu học”.

Vì vậy, khi nhiều phụ huynh đặt câu hỏi liệu 2-3 tuổi có phải độ tuổi thích hợp để trẻ học tiếng Anh không, tôi cho là có và tôi vẫn ủng hộ việc cha mẹ cho con tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm.
Như tôi đã nói ở trên, về lý thuyết, học một sinh ngữ càng sớm thì càng thuần thục, trôi chảy. Một đứa trẻ từ khi nằm trong bụng mẹ đã được nghe những âm thanh chuẩn mực từ các bài hát tiếng Anh mà chính các bà mẹ ở Anh, Mỹ cho con nghe. Lúc nằm nôi, các em lại được nghe các bài hát ru bằng tiếng Anh, lên 2-3 tuổi được học những từ ABC bằng tiếng Anh và bi bô nói những âm đầu tiên. Thật tuyệt vời khi lúc 5-6 tuổi, các em nói tiếng Anh thành thạo. Ngày nay có rất nhiều em như thế, dù chưa đi học bất cứ trường quốc tế nào.

Với nền tảng 6 năm đầu tiên, nếu tính từ lớp mẫu giáo lớn, các em đã được học một cách nghiêm túc và đã có khả năng tự đọc truyện, xem phim và nghe hiểu không rào cản, thì đến cấp THCS sẽ không gặp nhiều khó khăn để bước vào học trong các môi trường dùng tiếng Anh như một công cụ giảng dạy, chứ không phải vật vã với các kỹ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết nữa.

Bỏ qua giai đoạn đầu đời này sẽ làm trẻ mất đi cơ hội tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên, phải rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ một cách máy móc. Điều này khiến trẻ mệt mỏi. Kể cả với những em đã có thời gian tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm, nhưng khi học văn phạm ngôn ngữ vẫn gặp nhiều khó khăn. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ học nói tiếng Việt và nói thành thạo lúc lên 4-5 tuổi, nhưng đến khi phải học các môn bằng tiếng Việt, phải học viết văn, thì thật sự khó khăn hơn là lúc tiếp xúc ngôn ngữ tự nhiên.

Tiếng Anh cũng thế, muốn đạt mức độ thành thạo thì trẻ lớn phải học Đọc -Viết thực sự hàn lâm, đọc các chủ đề khoa học và xã hội, rồi trả lời những câu hỏi lắt léo. Cách thiết kế câu hỏi trong các bài đọc hiểu là nhằm để trẻ phát triển tư duy phân tích, từ đó hiểu thấu đáo bài đọc hơn.

Viết là một kỹ năng đặc thù, đòi hỏi người học phải sản sinh ngôn ngữ dựa trên nền tảng ngữ liệu mà học sinh đó tích lũy được thông qua đọc sách, nghe, nhìn. Viết thể hiện tư duy, đánh giá và giải quyết vấn đề. Viết là sự chắp nối của các ký tự ngôn ngữ (A, B, C) tạo nên các từ và tuân theo các quy tắc để tạo thành câu. Viết thể hiện chiều sâu suy nghĩ nào đó. Do đó, kỹ năng viết hình thành chậm hơn các kỹ năng khác, nhưng trẻ lớn lên không thể thiếu kỹ năng này.

Nên cho con học tiếng Anh từ tuổi nào là phù hợp?

Thời cha ông ta học tiếng Anh theo kiểu hiếm muộn, thiếu thốn, khổ sở mà vẫn giỏi đã qua rồi. Có lẽ bọn trẻ bây giờ không phải lặp lại thời kỳ ấy nữa. Nhưng có một thứ bọn trẻ cần học hỏi từ cha ông, đó là sự nhẫn nại, quyết tâm, học “sôi kinh nấu sử”, học đến đâu chắc đến đó, không ngại khó, ngại khổ.

Một bộ phận phụ huynh cho rằng sẽ lãng phí về kinh tế, trẻ quên mất ngôn ngữ mẹ đẻ nếu cho học tiếng Anh quá sớm. Tôi cho rằng suy nghĩ này cần được chia sẻ. Cho con đi học thêm tiếng Anh từ nhỏ quả là tốn kém, đặc biệt với các gia đình trẻ có nguồn thu nhập ở mức trung bình. Đối với trẻ nhỏ, có nhiều cách để cho con “tắm” ngôn ngữ mà không phải đi học ở đâu cả.

Tuy nhiên, tiếng mẹ đẻ mãi là tiếng mẹ đẻ, khó mà quên được. Một đứa trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ còn không quên tiếng mẹ đẻ nếu cha mẹ nói với nó bằng tiếng mẹ đẻ. Như hai đứa cháu tôi sinh ra ở California, cha mẹ vẫn nói tiếng Việt hàng ngày, các cháu vẫn hiểu, chỉ có điều trả lời bằng tiếng Anh.

Share.