‘Nhiều người nghĩ phải cho con học tiếng Anh ở trung tâm từ sớm để không lỡ mất ‘giai đoạn vàng’, nhưng họ không tính được lời – lỗ sau khi đầu tư’.

Xung quanh câu chuyện nhiều phụ huynh Việt sẵn sàng đầu tư vài chục triệu đồng một năm cho con học tiếng Anh ở trung tâm từ ba tuổi, câu hỏi được nhiều người đặt ra là có nên cho con học ngoại ngữ từ sớm và việc đầu tư số tiền lớn kiểu này có đáng hay không?

Ủng hộ việc cho trẻ học tiếng Anh từ sớm, độc giả Minh Trang cho rằng: “Tôi tin rằng, việc cho con đi học ngoại ngữ ở trung tâm khi mới ba hay bốn tuổi không phải sự lãng phí, mà đây là sự đầu tư cho con cái.

Thứ nhất, cách một đứa trẻ mầm non học ngoại ngữ rất khác với người lớn. Trẻ sẽ tiếp thu ngoại ngữ theo cách giống như một người học tiếng mẹ đẻ nên dễ dàng tiến bộ hơn.

Đầu tư học tiếng Anh từ sớm ở trung tâm: Lợi ích và chi phí

Thứ hai, khi một đứa trẻ lớn lên có thể tự học ngoại ngữ tốt mà không cần đi học từ sớm, đó là phụ thuộc vào năng khiếu ngoại ngữ hoặc tinh thần siêng năng và tự giác cao của chúng. Nhưng xét về mặt điều này thì có bao nhiêu phần trăm người làm được? Nên việc các gia đình có điều kiện đầu tư sớm để giảm áp lực sau này cho con cái cũng là điều dễ hiểu.

Thứ ba, việc tranh thủ thời gian vàng của con trẻ (3-4 tuổi) là một yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ cảm thấy việc đi học không hề áp lực và luôn vui vẻ.

Thứ tư, việc gia đình đầu tư cho trẻ đến trung tâm Anh ngữ không phải vì bằng cấp hay chứng chỉ mà là vì kỹ năng (bao gồm khả năng thuyết trình, giao tiếp trước đông người, khả năng xử lý trả lời các câu học bằng ngoại ngữ đang theo học…). Xét về mặt này thì nhìn chung mảng ngoại ngữ của các trường công lập hiên nay không thể làm tốt. Cứ thử hỏi có bao nhiêu phần trăm học sinh học ngoại ngữ tại các trường công lập trong độ tuổi từ 8-18 tuổi có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh? Trong khi tại trung tâm Anh ngữ, trẻ 5 tuổi, 6 tuổi đã có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Đầu tư học tiếng Anh từ sớm ở trung tâm: Lợi ích và chi phí

Tất nhiên, phụ huynh cũng cần cân nhắc chọn những địa điểm giảng dạy uy tín, chất lượng phù hợp với từng lứa tuổi của bé”.

Là người đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm, bạn đọc Ngọc Mai chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi cũng cho hai con đi học ở một trung tâm tốt nhất nhì Hà Nội từ lúc chúng bốn tuổi. Cái các con thu được không phải là điểm số cao trong các kỳ thi, bằng chứng là điểm kiểm tra tiếng Anh của các con ở trường ít khi đạt đến 9 điểm. Điều này tôi đã biết trước bởi cách dạy và học của hai nơi hoàn toàn khác nhau.

Đổi lại, cái con tôi thu được đó là sự tự tin khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, bởi với chúng đó đơn giản chỉ là một ngôn ngữ chứ không phải là một môn học để thi cử. Ngoài ra, chúng còn được làm việc nhóm, được nghiên cứu, hùng biện, thuyết trình từ nhỏ và chúng cũng được tìm hiểu, làm quen với văn hóa của các nước thông qua các bài học, bài làm.

Trong khi đó, rất nhiều người học theo kiểu luyện thi có thể điểm thi khá cao, nhưng khi giao tiếp thực sự với người nước ngoài thì lại ú ớ vì nói người ta không hiểu, và bản thân cũng không hiểu người ta nói gì”.
Khẳng định giá trị của việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm không nằm ở mặt thành tích, độc giả Khả Di nhấn mạnh: “Con tôi đang học lớp 1. Tôi cho con học tiếng Anh tại trung tâm từ 6 tuổi với chi phí hơn 30 triệu đồng một năm và lớp Toán tư duy hơn 20 triệu đồng một năm. Ban đầu, tôi cũng rất cân nhắc và băn khoăn có nên cho học không? Cuối cùng, cả hai vợ chồng tôi đều ủng hộ việc học của con, không phải vì muốn con biết nói tiếng Anh sớm, học Toán giỏi mà là vì muốn chúng tạo được thói quen năng động, phát biểu và làm việc nhóm. Vì thời điểm đó, con rất nhát, không dám phát biểu chỗ đông người, không năng động, không tự tin và không tập trung.

Đến bây giờ sau một năm theo học, con đã khác hẳn. Đi học văn hóa ở lớp, con tự tin phát biểu bài, không rụt rè trước các hoạt động nhóm, phát âm tiếng Anh chuẩn, đọc tốt, khi gặp các giáo viên ở ngoài đời con cũng chủ động chào hỏi thầy cô rất tự tin. Và đương nhiên, đợt thi học kỳ vừa rồi, hai vợ chồng tôi không mất quá nhiều thời gian cho việc học Toán của con.

Giờ lại đến kỳ thanh toán học phí năm thứ hai cho cả hai môn, nhưng chúng tôi không phải đắn đo nữa, cứ tiếp tục cho con học thôi. Cái lợi cho tương lai thấy được rõ ràng nhiều hơn học chỉ để biết tiếng Anh. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng, nhưng với tôi – một người đã và đang trải nghiệm qua rồi và chia sẻ cùng mọi người, tôi tin không phải cái gì sính ngoại cũng là xấu, là đua đòi”.

Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Duy Trịnh Khắc đcho rằng đầu tư tiền bạc cho con học ngoại ngữ sớm không hẳn là thông minh: “Không phủ nhận những mặt tích cực của việc học tiếng Anh sớm, nhưng xét về vấn đề đầu tư thì bao nhiêu mới là đủ? Tiếng Anh cũng chỉ là công cụ, bạn học từ nhỏ, tốn vài chục triệu đồng mỗi năm cũng chưa chắc đã hơn gì một người vào cấp ba mới học.

Kết quả của hai người có thể chẳng lệch nhau là mấy, nhưng số tiền họ bỏ ra ít hơn bạn nhiều lần, nên đó mới là hướng đầu tư thông minh. Bạn nói tiếng Anh sõi từ năm 8 tuổi nhưng cũng chẳng để làm gì vì tới tận năm 18 tuổi một số bạn mới đi du học. Thậm chí, có những người 24 tuổi mới bắt đầu đi làm trong môi trường cần tiếng Anh. Thế nên, theo tôi, nếu bạn muốn làm gì để dùng tiếng Anh thì chỉ cần đầu tư trước đó tầm bốn năm là quá thừa rồi.

Đầu tư học tiếng Anh từ sớm ở trung tâm: Lợi ích và chi phí

Tất nhiên, đầu tư sớm cũng tốt, chỉ là nếu bạn chi quá nhiều tiền thì không nên. Chính vì nắm được tâm lý chạy theo người khác của nhiều phụ huynh nên các trung tâm ngoại ngữ mới đua nhau đẩy học phí lên cao một cách phi lý, sau đó người người nhà nhà lại cố vay nợ chỉ để con học tiếng Anh.

Một ví dụ là bạn tôi học tiếng Nhật, chỉ đơn giản vì thích và rảnh. Bạn tự học một năm đã có bằng N2, và đang phấn đấu học N1. Tất nhiên, không phải ai tự học cũng giỏi nhưng không vì thế mà phải học từ quá sớm rồi bỏ phí. Tiếng Anh có thể là một công cụ đắc lực cho bạn tiến tới thành công, nhưng kiến thức chuyên môn và tư duy mới là yếu tố quyết định. Tất cả những thứ đó cần học qua cả một quá trình lâu dài chứ không phải cố nhồi nhét vào một ‘giai đoạn vàng’ như nhiều người nghĩ. Và vì vậy, đầu tư từ từ mới là đúng đắn”.
Cùng chung quan điểm, độc giả Phan Manh Cuong, nhấn mạnh: “Trung tâm tiếng Anh cho trẻ nhỏ chủ yếu mở ra theo kiểu hình thức, moi tiền trong túi phụ huynh học sinh. Tôi tin trẻ con ở tuổi mầm non, tiếng Việt còn chưa hiểu hết được chứ nói gì đến tiếng Anh. Ngay như nơi tôi sinh sống, trung tâm tiếng Anh cho trẻ con mọc như nấm, nhưng chỉ toàn thấy mấy người ‘Tây balo’ đi dạy. Đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, họ bỏ về nước hết, thế là học sinh nghỉ học hết cả. Đến khi, cô giáo người Việt đứng lớp vài buổi thì có bạn nhỏ về kể là cô giáo phát âm sai. Giờ trung tâm cũng đóng cửa luôn. Nói vậy để thấy chất lượng các trung tâm ngoại ngữ cũng rất khó kiểm chứng.

Cá nhân tôi cũng đi học tiếng Anh từ lúc 6-7 tuổi những năm 1988-1989, nhưng đến lúc học cấp ba, tôi còn suýt nữa bị đúp vì tổng kết môn tiếng Anh chỉ có 4,5 điểm. Sau này bắt đầu có điều kiện du lịch nước ngoài, đi ra cuộc sống thật, giao tiếp nhiều hơn với người nước ngoài, tôi mới rút ra kết luận: Tiếng Anh cho người Việt nên học từ giao tiếp thực tế cuộc sống, chứ chỉ học kiểu như thầy giảng trò nghe thì cũng chỉ học trước, quên sau. Ngôn ngữ không dùng thì rồi cũng sẽ mai một hết. Vậy thì cho trẻ con học tiếng Anh sớm làm gì?”.

“Học để làm gì?” là câu hỏi mang tính quyết định để biết xem có nên đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm hay không, độc giả Đọc bình luận: “Đa số người Việt đang bị ảo tưởng với các trung tâm ngoại ngữ. Dù học từ mấy tuổi thì năng lực của mỗi đứa trẻ cũng có hạn, nhồi nhét được cái này thì quên cái khác. Học được tiếng Anh tuổi này thì tiếng Việt lại ú ớ.

Phụ huynh cứ nghĩ học tiếng Anh giỏi là xong, có điểm IETLS cao là đủ. Thực ra nếu không du học, làm việc ở nước ngoài thì không nói lên điều gì. Mà đã du học, làm việc nước ngoài thì ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện, không phải là chuyên ngành. Bạn không thể tự hào mình nói giỏi tiếng Anh với người Mỹ được, bởi vì đó là điều bình thường, không phải năng lực đặc biệt trong nghề nghiệp.

Điều nữa là các bạn cứ nghĩ phát âm tiếng Anh chuẩn bản xứ là cần thiết. Thực ra điều này rất vô nghĩa. Có một điều buồn cười là thi ngữ pháp và nói thì hầu hết học sinh IETLS giỏi hơn cả người bản xứ, còn phát âm thì nhiều vùng của Mỹ đọc không chuẩn tí nào, nhưng họ sống và làm việc rất bình thường.

Xét cho cùng, việc học tiếng Anh là tốt và rất cần thiết. Nhưng theo đuổi những mục tiêu sai lầm, vẫn tư duy học đi thi, học làm ‘gà chọi’ thì chỉ tốn thời gian và tiền bạc. Thay vì như vậy, hãy nghĩ về tiếng Anh ứng dụng. Học làm gì? Để đi làm bình thường, để giao tiếp – định cư hay học để làm giáo viên tiếng Anh – phiên dịch (những nghề này cần chuẩn tuyệt đối)? Trả lời câu hỏi đó, bạn sẽ biết mình nên làm gì”.

Xem thêm:

Share.